Mỗi loại thớt với một loại vật liệu khác nhau sẽ có cách bảo quản khác nhau. Để đảm bảo an toàn vệ sinh trong sử dụng và bảo quản tốt nhất cho tất cả các loại thớt như
thớt gỗ, thớt nhựa, thớt thủy tinh…hãy tham khảo những chia sẻ nhỏ dưới đây.
Thớt sau một thời gian sử dụng sẽ xuất hiện các lớp mùn từ các vết băm, chặt. Đây chính là “ổ” vi trùng” được tạo ra sau những lần sử dụng mà không được vệ sinh sạch sẽ. Có một thực tế là cho dù bạn đã tráng bằng nước sôi đi chăng nữa thì cũng không thể làm sạch được ổ vi khuẩn đó. Để khắc phục, tốt hơn hết bạn nên sử dụng và bảo quản đúng cách cho từng loại như sau:
Thớt thủy tinh
Được làm từ chất liệu chịu lực nên thớt thủy tinh không bị mùn, dễ lau rửa và cũng không bị ô xy hóa. Bạn có thể dùng để thái các thực phẩm mà không sợ làm trầy xước bền mặt. Tuy nhiên bạn cần nhớ là không nên dùng thớt thủy tinh để chặt đồ ăn vì thớt cứng sẽ làm cùn dao.
Tốt hơn hết là bạn chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái rau củ, trái cây, các thức ăn mềm. Sử dụng thớt thủy tinh bạn cũng cần có những chiếc dành riêng cho thái thức ăn sống, chín. Khi dùng để thái thức ăn chín, bạn cần trụng thớt qua nước sôi để đảm bảo vệ sinh hơn. Khi sử dụng xong thì cần rửa sạch và treo nơi khô ráo, tốt nhất là nơi có ánh nắng. Với thớt thủy tinh thì sau 6 tháng sử dụng bạn nên thay mới vì lúc này trên bề mặt thớt đã xuất hiện vết nứt, vỡ, ngả màu đen, có mùi lạ.
Thớt nhựa
Thớt nhựa không những có trọng lượng nhẹ mà còn không thấm nước, không có mùn thớt như thớt gỗ và không bị mục. Tuy nhiên nhược điểm của loại thớt này là không chịu được lực lớn. Do đó bạn không nên dùng thớt nhựa để chặt đồ ăn vì có thể làm nứt, vỡ thớt và chất liệu nhựa cũng sẽ làm cho chiếc dao của bạn nhanh cùn hơn. Bạn chỉ nên dùng thớt nhựa để thái đồ ăn mềm, không cần nhiều lực.
Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần lưu ý:
+Không ấn dao quá mạnh vì sẽ gây ra những vết hắn trên thớt. Những vết hằn đó sẽ là nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
+Nếu thớt đã bị ố, ngả màu thì bạn nên ngâm trong giấm và nước cốt chanh trong khoảng 01 giờ, sau đó rửa sạch bằng nước rửa chén, tráng nước sôi, để khô.
Thớt gỗ
Ưu điểm của thớt gỗ là có độ đàn hồi cao, thích hợp để băm, chặt các thức ăn cứng, dai. Tuy nhiên nhược điểm là rất dễ thấm nước, bám mùi, nhanh bị cong vênh do nhiệt độ, gây mùn và dễ nứt, mục.
Khi sử dụng và bảo quản thớt gỗ, bạn cần:
+Chọn thớt có độ dày đều, không có mắt gỗ
+Thớt mới phải được ngâm trong nước muối mặn theo tỷ lệ: 200g muối/1lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau.
+Nếu muốn thớt không bị mùn và có mùi, bạn nên chà thớt bằng nước rửa bát hoặc chanh tươi rồi lau khô, treo nơi khô thoáng.