Phòng bếp là nơi các bà nội trợ thỏa sức sáng tạo để cho ra đời những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt. Nhưng để đạt được điều đó, ngoài khả năng nấu nướng thì chính không gian bếp cũng góp phần quan trọng vào việc tạo ra cảm hứng cho các bà nội trợ. Vậy làm thế nào để phòng bếp luôn gọn gàng, khoa học và phát huy được công năng nhất?
1. Thiết kế phòng bếp theo hình chữ L hoặc chữ U
Các kiến trúc sư luôn đưa ra lời khuyên là phòng bếp nên được thiết kế dạng chữ U hoặc L nhằm tiết kiệm được không gian và diện tích một cách tối đa, lại dễ dàng di chuyển đến 3 vị trí quan trọng nhất trong bếp là tủ lạnh – bồn rửa bát – bếp nấu. Tuy có hơi cổ điển, truyền thống nhưng những thiết kế này lại hoàn toàn phù hợp với hầu hết các không gian, kể cả không gian nhỏ hẹp, hạn chế của các căn hộ chung cư.
2. Thiết kế tủ bếp
Nếu muốn phòng bếp nhà bạn luôn ngăn nắp và khoa học, tạo sự thuận tiện trong quá trình nấu nướng cũng như mang đến một không gian vừa an toàn, vừa thẩm mỹ thì phải sử dụng tủ bếp. Thiết kế chiều cao của tủ bếp được coi là quan trọng nhất, bởi nó phải tạo được sự thoải mái khi sử dụng, và sự an toàn cho các đứa trẻ trong nhà, không thể với lên tủ bếp để tiếp xúc với bếp nấu, dao kéo,… Vị trí đặt tủ bếp không nên ở quá xa bàn ăn hoặc quá gần cửa sổ, nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
3. Bố trí hợp lý tủ, ngăn kéo, kệ và đồ đạc trong bếp
Nếu không muốn mất thời gian và công sức khi phải luống cuống xác định dao kéo ở đâu, rổ rá ở chỗ nào, lấy nhầm chén dĩa,
khay gỗ, thớt gỗ, nồi niêu,… thì trong phòng bếp, ngoài tủ bếp nên bố trí thêm tủ kệ, ngăn kéo để sắp xếp các vật dùng này một cách gọn gàng và khoa học. Việc phân chia, sắp xếp nên dựa vào thứ tự ưu tiên (tức mật độ sử dụng). Dụng cụ nào sử dụng nhiều thì nên để riêng, gần tủ bếp và bếp nấu. Dụng cụ nào ít sử dụng tới thì nên cất giữ gọn gàng vào một phía xa.
4. Màu sắc và ánh sáng
Màu sắc và ánh sáng cũng góp phần rất lớn vào hiệu suất của phòng bếp. Bạn không thể nấu nướng trong một không gian quá tối, quá nóng với các dụng cụ cũ kỹ, nhàm chán. Vì thế, nếu như phòng bếp sử dụng tủ bếp cố định với màu sắc đặc trưng của nó thì nên khéo léo kết hợp với các món nội thất có màu khác để điểm xuyết hay làm bừng sáng lên cho không gian bếp.
Để phòng bếp luôn đầy đủ ánh sáng, nhất thiết phải thiết kế cửa sổ cho phòng bếp, vừa nhận được ánh sáng tự nhiên, vừa tạo được sự thông thoáng cần thiết. Ngoài ra, nên đầu tư thêm hệ thống đèn trần sao cho thật đủ sáng nhưng lưu ý không nên sử dụng các loại đèn chùm hay nhiều đèn trang trí trong phòng bếp nhỏ và thấp, vì nó sẽ gây ra cảm giác vướng víu, chật chội trong khi nấu nướng.
Đào Trinh