Cách dùng thớt gỗ của bạn đã đúng chuẩn hay chưa?

Trong mọi căn bếp, thớt gỗ luôn là một dụng cụ cơ bản và không thể thiếu. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ về cách sử dụng thớt gỗ một cách hiệu quả và an toàn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những lưu ý đơn giản nhưng rất cần thiết, khi sử dụng thớt gỗ trong quá trình nấu nướng hàng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho gia đình.

1. Những sai lầm thường mắc phải khi sử dụng thớt gỗ



Có khá nhiều sai lầm mà người dùng dễ mắc phải trong quá trình sử dụng thớt gỗ, từ đó gây ra nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

1.1. Sử dụng thớt gỗ đã quá cũ

Một trong những sai lầm phổ biến nhất là tiếp tục sử dụng thớt gỗ đã quá cũ, nhiều vết nứt và trầy xước do dao cắt. Những vết nứt và trầy xước này là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mà mắt thường không thể nhìn thấy. Khi sử dụng thớt cũ lâu năm, khả năng vệ sinh an toàn cho thực phẩm không được đảm bảo, dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng. Vì vậy, việc thay thế thớt gỗ khi thấy có dấu hiệu hư hỏng là rất cần thiết.

1.2. Sử dụng cả hai mặt của thớt

Nhiều người có thói quen sử dụng cả hai mặt của thớt để tiết kiệm không gian hoặc vì lý do tiện lợi. Tuy nhiên, mặt thớt nằm dưới tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà hoặc kệ bếp, dễ bám bẩn và thường không được vệ sinh kỹ càng. Việc này có thể dẫn đến vi khuẩn bám vào thức ăn, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, chỉ nên sử dụng một mặt của thớt và luôn đảm bảo mặt thớt đó được vệ sinh sạch sẽ trước - sau khi sử dụng.

1.3. Dùng một chiếc thớt để sơ chế thực phẩm chín và sống

Một sai lầm nghiêm trọng khác là sơ chế thịt cá sống và thực phẩm chín trên cùng một thớt. Thịt cá sống có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, nhiệt độ nấu không phải lúc nào cũng đủ cao để tiêu diệt chúng. Khi sử dụng cùng một thớt cho cả thực phẩm sống và chín, vi khuẩn có thể lây nhiễm sang thực phẩm chín, đặc biệt là các loại rau ăn sống gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo an toàn, nên sử dụng ít nhất hai thớt riêng biệt cho thực phẩm sống và chín.

1.4. Sử dụng miếng thép chà thớt

Sử dụng miếng thép để chà rửa thớt gỗ có thể gây trầy xước bề mặt thớt, tạo nơi trú ẩn cho vi khuẩn. Thay vào đó, sử dụng miếng vải mềm hoặc miếng bọt biển để rửa thớt sẽ giúp bảo vệ bề mặt thớt tốt hơn. Sau khi rửa, nên đặt thớt thẳng đứng để thớt nhanh khô, tránh ẩm ướt và mốc phát triển gây hại.

2. Vệ sinh thớt gỗ thế nào chuẩn nhất?

Vệ sinh thớt gỗ định kỳ là việc làm cần thiết để tránh vi khuẩn gây hại. Dưới đây là một số phương pháp vệ sinh thớt gỗ đơn giản và hiệu quả dành cho bạn tham khảo.

2.1. Sử dụng giấm

Giấm có tác dụng tẩy rửa vi khuẩn và khử mùi hôi. Bạn chỉ cần thoa giấm ăn lên cả hai mặt của thớt, sau đó lau khô bằng khăn giấy. Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để vệ sinh thớt gỗ hàng ngày.

2.2. Sử dụng chanh và muối

Cắt đôi quả chanh, vắt nước cốt lên thớt, sau đó rắc một ít muối lên bề mặt thớt. Sử dụng vỏ chanh để chà xát nhẹ nhàng và từ từ theo hình vòng tròn. Muối và nước chanh sẽ giúp tẩy sạch các vết bẩn, nấm mốc và mùi hôi, đảm bảo thớt gỗ luôn sạch sẽ.

2.3. Sử dụng oxy già

Oxy già 3% là một chất tẩy rửa mạnh mẽ và an toàn để làm sạch thớt gỗ. Để thực hiện, bạn chỉ cần đổ một lượng nhỏ oxy già lên bề mặt thớt và để nó tạo bọt trong vài phút. Oxy già sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và mùi hôi. Sau đó, sử dụng miếng bọt biển để chà kỹ bề mặt thớt, loại bỏ bọt và các vết bẩn còn lại. Cuối cùng, rửa thớt dưới nước sạch và để khô tự nhiên.



2.4. Sử dụng xà phòng và nước ấm

Xà phòng và nước ấm là một phương pháp vệ sinh cơ bản nhưng hiệu quả. Pha loãng xà phòng trong nước ấm, sau đó dùng khăn thấm nước xà phòng để lau chùi toàn bộ bề mặt thớt. Lau kỹ nhiều lần cho đến khi các vết bẩn hoàn toàn biến mất. Sau khi xong, rửa thớt kỹ dưới nước sạch để loại bỏ xà phòng và để thớt khô ráo.

2.5. Sử dụng thuốc tẩy

Đối với những vết bẩn cứng đầu hoặc thớt gỗ bị bám bẩn lâu ngày, thuốc tẩy có thể là lựa chọn cuối cùng. Hòa 1 muỗng cà phê thuốc tẩy vào 1 lít nước và đổ dung dịch này lên thớt. Ngâm trong vài phút để thuốc tẩy hoạt động, sau đó rửa thớt kỹ dưới nước sạch để loại bỏ hoàn toàn thuốc tẩy. Đảm bảo phơi khô thớt ở nơi thoáng mát sau khi rửa.

2.6. Sử dụng xong phải rửa thớt gỗ ngay

Một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để giữ thớt gỗ luôn sạch là rửa sạch ngay sau khi sử dụng. Điều này giúp ngăn chặn vi khuẩn phát triển và bám chặt vào bề mặt thớt. Sau khi rửa, hãy để thớt ở nơi khô ráo, tránh ngâm thớt trong nước quá lâu để tránh nứt, cong vênh.

Có thể thấy rằng, sử dụng và bảo quản thớt gỗ đúng cách là điều cần thiết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như kéo dài tuổi thọ của thớt. Hãy thường xuyên áp dụng những bí quyết nêu trên để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình bạn nhé!

Thùy Duyên