Thớt mới mua về phải làm gì để ngăn ngừa thớt bị nứt và mốc

Khâu xử lý thớt mới mua về là bước rất quan trọng quyết định độ bền của thớt gỗ không bị nứt, mốc đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho người sử dụng. Để biết thớt gỗ mới mua về phải làm gì, thớt không nứt, kháng khuẩn tốt thì đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé!

1. Cách để ngăn ngừa thớt bị nứt và mốc

+ Chọn mua thớt có chất liệu gỗ tốt

Chọn thớt gỗ tốt là một trong những tiêu chí quan trọng đầu tiên quyết định độ bền của thớt gỗ. Chất liệu thớt gỗ tốt có độ đàn hồi cao, cầm nặng tay, không dễ bị cong vênh, chịu tác động của ngoại lực tốt. Bên cạnh, bạn cũng ưu tiên loại thớt gỗ có bề mặt nhẵn mịn, không bị mục. Lưu ý, không nên chọn thớt gỗ có bề mặt phủ nhiều màu sắc, chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không nhãn mác. Bởi chúng rất có khả năng bị nhiễm khuẩn trong lúc vận chuyển vì không được bảo vệ kỹ lưỡng.



+ Chọn mua thớt có sớ cắt dọc

Thớt gỗ đảm bảo chất lượng tốt thì khi mua bạn nên quan sát chọn loại có thớ gỗ dọc theo thân cây, vì khi rửa sẽ có thể làm trôi hết thực phẩm thừa sau khi băm, cắt. Bởi nếu thớt cắt ngang thì sẽ có sớ gỗ trên bề mặt thớt. Vì thế, thớt dễ ngấm nước thực phẩm vào bên trong thớt, nên khó có thể làm sạch sâu bên trong, lâu ngày sẽ dễ gây ẩm mốc và có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Không chỉ vậy, thực phẩm ngấm sâu vào bên trong thì tỷ lệ nhiễm chéo vi khuẩn sẽ tăng lên nên sẽ rất nguy hiểm khi dùng lâu.

+ Ngâm thớt ngay sau khi mua về

Theo kinh nghiệm, thớt gỗ mới mua về thì bạn nên đem ngâm trong nước nước muối tỷ lệ 200g muối/1 lít nước. Sau đó bạn bỏ thớt gỗ mới mua về vào ngâm trong khoảng thời gian một ngày đêm để nước muối ngấm sâu vào từng thớ gỗ và mang đi phơi ở nơi khô thoáng là được. Mục đích của việc ngâm trong nước muối là vừa làm sạch vừa giúp thớt giữ được độ ẩm bên trong thớt gỗ. Khi thớt gỗ đủ ẩm sẽ hạn chế tình trạng ngấm nước và bị rạn nứt khi sử dụng lâu dài.

2. Những cách làm sạch thớt gỗ đơn giản hiệu quả

+ Rửa sạch thớt bằng nước nóng

Sau khi sử dụng thớt bạn nên rửa lại bằng nước nóng để làm trôi nước và thực phẩm còn sót lại được dễ dàng hơn. Lưu ý, bạn không nên sử dụng xà phòng rửa chén, đây là một trong những sai lầm khi rửa thớt gỗ, bởi nước xà phòng có thể bị thớt gỗ thấm hút mà chúng ta không được rửa sạch hoàn toàn, dẫn đến gây mất an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

+ Làm sạch thớt với muối

Sử dụng muối để rửa sạch thớt gỗ cũng là một trong những cách hữu hiệu mà nhiều người lựa chọn. Bạn chỉ việc rắc muối lên mặt thớt, dùng miếng bọt biển chà liên tục và rửa sạch lại với nước là được.



+ Làm sạch thớt với bột baking soda và giấm
Để xử lý thớt gỗ bằng bột baking soda thì trước tiên bạn rắc bột lên bề mặt thớt, sau đó đổ giấm lên rồi dùng miếng bọt biển chà xát trong vài phút. Giấm sẽ làm cho bột baking soda sủi bọt và làm sạch hết các chất bẩm thấm sâu bên trong các thớt gỗ. Sau cùng chỉ cần rửa lại với nước sạch là được.

Hoặc bạn cũng có thể dùng giấm trắng để làm sạch thớt gỗ. Để thực hiện bạn chỉ cần rửa sạch thớt, xịt hoặc tráng nước giấm trắng lên mặt thớt rồi phơi khô tự nhiên. Khi đó, đảm bảo sẽ đánh bay mùi hôi, tanh của thịt, cá trên thớt vô cùng hiệu quả.



+ Làm sạch thớt bằng chanh

Cắt chanh và chà trực tiếp lên mặt thớt hoặc sử dụng nước cốt chanh pha loãng để rửa thớt.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thớt gỗ

Thớt gỗ có bền hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của người dùng. Do vậy, trong quá trình sử dụng bạn cần lưu ý một số điểm sau:

+ Thay mới thớt gỗ khi cần thiết: Thớt gỗ sau khi sử dụng được 6 – 8 tháng nên cân nhắc thay mới. Thớt gỗ dùng lâu ngày sẽ có vô số lát cắt đan xen nhau. Là điều kiện để trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn do thức ăn thừa bám vào.

+ Không nên băm, chặt quá mạnh vào thớt: Việc băm, chặt quá mạnh vào thớt sẽ tạo nên vết hằn sâu gây khó khăn khi làm sạch thớt.



+ Dùng riêng thớt cắt thực phẩm sống và thực phẩm chín: Thực phẩm tươi sống như các loại thịt cá đều ẩn chứa vi khuẩn và vi sinh vật dù đã rửa qua. Khi bạn dùng chung thớt gỗ để cắt thực phẩm sống và chín thì những vi khuẩn ở mặt thớt này sẽ bám vào thức ăn, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

+ Tráng thớt bằng nước sôi: Tốt nhất nên trang thớt gỗ qua nước sôi để loại bỏ hết vi khuẩn bám trên bề mặt thớt trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn nhé.

Hy vọng với những cách xử lý thớt gỗ chúng tôi vừa chia sẻ trên đã giúp chị em phụ nữ có thể an tâm sử dụng thớt gỗ an toàn cho sức khỏe của gia đình mình.

T.H